Skip to main content

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

           Ngày 28/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

           Về quan điểm, Nghị quyết xác định: Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chuyển đổi số.

Chuyển đổi số với tầm nhìn dài hạn là xây dựng tỉnh Lạng Sơn trở thành tỉnh có bước đi nhanh, sớm thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chuyển đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác chuyển đổi số; nắm bắt kịp thời và tận dụng có hiệu quả cơ hội do chuyển đổi số mang lại, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy thể chế và công nghệ là động lực, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá, đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân; đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

Nghị quyết xác định Mục tiêu tổng quát là: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số là nền kinh tế với các hoạt động dựa trên công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử trên Internet. Xây dựng xã hội số là xã hội hiện đại áp dụng và tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, có mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, là hai mặt không tách rời của quá trình chuyển đổi số, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thực sự trở thành nền tảng quan trọng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Từ Mục tiêu tổng quát, Nghị quyết cũng đã xác định Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó: Đến năm 2025 phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 100% các hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất…

Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; Tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 50%; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử trên 50%; 100% người dân và doanh nghiệp được Trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; Lạng Sơn thuộc nhóm hạng A, nhóm dẫn đầu quốc gia về an toàn, an ninh mạng... Phấn đấu 100% các phương tiện vận tải, doanh nghiệp, thương nhân xuất nhập khẩu hàng hóa được cung cấp dịch vụ số trên một nền tảng cửa khẩu số; 100% các cơ quan, đơn vị có liên quan sử dụng một nền tảng cửa khẩu số trong quản lý số lượng người, phương tiện, hàng hóa luân chuyển qua cửa khẩu; 100% các hoạt động kiểm tra, giám sát của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan sử dụng một nền tảng cửa khẩu số. Nền tảng cửa khẩu số phải ứng dụng các công nghệ số hiện đại như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI).

Đến năm 2030, phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc bí mật nhà nước); Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; Tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số trên nền tảng thương mại điện tử trên 80%. Phấn đấu phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử trên 80%. Phấn đấu Lạng Sơn thuộc nhóm hạng A, nhóm dẫn đầu quốc gia về an toàn, an ninh mạng; tiếp tục duy trì, phát triển cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn thành cửa khẩu số thông minh.

Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, bao gồm:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp.

2. Xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

3. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số

4. Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng

5. Phát triển chính quyền số

6. Phát triển kinh tế số

7. Phát triển xã hội số, xây dựng đô thị thông minh

8. Phát triển cửa khẩu số

9. Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng

10. Hợp tác quốc tế thúc đẩy chuyển đổi số

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, đảng đoàn, ban cán sự đảng tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết...

                                                                       Hoàng Thị Tố Loan

                                                                     Trung tâm CNTT & Truyền thông

About