Skip to main content

Hoàn thiện thể chế thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam

Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), dưới tác động của đại dịch Covid 19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số (CĐS). Đây là cơ hội cho Việt Nam thực hiện khát vọng thịnh vượng, hùng cường.

Đại hội XIII của Đảng khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, chỉ ra con đường đi đến đích bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bằng CĐS, công nghệ số và kinh tế số.

CĐS, công nghệ số và kinh tế số là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Thế giới vật lý đang được số hóa. Đời sống thực đang được ánh xạ vào không gian mạng. Quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), dưới tác động của đại dịch Covid 19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình CĐS. Đây là cơ hội cho Việt Nam thực hiện khát vọng thịnh vượng, hùng cường.

1. CĐS và 3 trụ cột chính:

Chuyển đổi số

Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, nhưng chỉ đến khi CMCN 4.0 bùng nổ, CĐS (digital transformation) mới xuất hiện và trở nên phổ biến. Cho đến nay vẫn có rất nhiều cách hiểu, nhiều định nghĩa tương đối khác nhau về CĐS.

https://chuyendoiso.thanhhoa.gov.vn/upload/images/2021/07/internet.jpg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo Liên minh châu Âu, CĐS là “quá trình ứng dụng hợp nhất các công nghệ hiện đại, tạo nên sự đồng nhất giữa các hệ thống vật lý và hệ thống số, tạo ra những mô hình và quy trình làm việc sáng tạo, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ thông minh”. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thì miêu tả “CĐS là những tác động kinh tế và xã hội do quá trình chuyển đổi các dữ liệu và quy trình bằng công nghệ tương tự sang các định dạng số. CĐS là việc sử dụng các công nghệ, dữ liệu số và sự kết hợp giữa chúng để thay đổi hoặc tạo ra những nội dung mới của các hoạt động hiện tại” [1].

Có thể nhận thấy, khái niệm CĐS nhấn mạnh nhiều đến việc sáng tạo ra những cách làm mới, sản phẩm mới, không chỉ là sự cải tiến dựa trên cái cũ.

CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số [2].

Cùng với mức độ phổ biến của “CĐS”, CĐS trong quản trị quốc gia hay nói một cách khác là CĐS trong các cơ quan Nhà nước (CQNN) đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới.

CĐS trong CĐS là hoạt động phát triển Chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương. CĐS CQNN tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các CQNN một cách thống nhất, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp (DN) có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí [3].

CĐS quốc gia tiếp cận với ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chính phủ số

Chính phủ số là Chính phủ đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, nhanh chóng cung cấp dịch vụ công (DVC) mới thông qua ứng dụng công nghệ số. Chính phủ số là Chính phủ có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Về nội hàm, khái niệm Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử (CPĐT), bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Khi nói phát triển Chính phủ số chính là nói phát triển CPĐT. Chính phủ số đã bao hàm CPĐT. Vì vậy, phát triển CPĐT và phát triển Chính phủ số không phải là việc làm mang tính tuần tự, xong việc này mới đến việc kia.

Chính phủ số là một cấu thành quan trọng của CĐS quốc gia, bên cạnh kinh tế số và xã hội số nhưng Chính phủ số có sứ mệnh dẫn dắt CĐS quốc gia, do vậy phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.

Kinh tế số

Tương tự như khái niệm “chuyển đổi số”, cho đến nay có rất nhiều khái niệm khác nhau và chưa có khái niệm nào được chấp nhận phổ biến về kinh tế số (hay kinh tế kỹ thuật số). Theo cách hiểu phổ biến nhất mà phần lớn các quốc gia và tổ chức quốc tế sử dụng thì kinh tế số là nền kinh tế hoạt động trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên Internet [4].

Kinh tế số bao gồm 3 cấu phần:

(1) Kinh tế số thuần ICT/Viễn thông (Kinh tế số ICT): là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông;

(2) Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số Internet): gồm các hoạt động kinh tế dựa hoàn toàn vào mạng Internet như dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, kinh tế thuật toán, kinh tế chia sẻ, kinh tế việc làm tự do (Gig), và các hình thức kinh doanh trên Internet khác;

(3) Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành): là các hoạt động kinh tế dựa trên việc CĐS ngành, lĩnh vực, áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, tối ưu hóa vận hành, tạo giá trị kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới, gồm các hoạt động như: quản trị điện tử, thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, du lịch thông minh v.v...;

Trong 3 cấu phần của kinh tế số nói trên, 2 cấu phần kinh tế số ICT/Viễn thông và kinh tế số Internet/nền tảng thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Cấu phần kinh tế số ngành/lĩnh vực thuộc trách nhiệm của tất cả các bộ quản lý chuyên ngành, Bộ TT&TT đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy, tạo dựng hạ tầng, nền tảng cho các lĩnh vực này để phát triển.

Xã hội số

Xã hội số là xã hội hiện đại được áp dụng và tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, làm thay đổi thói quen học tập, làm việc, giao tiếp, mua sắm, giải trí,... của tất cả mọi người dân, hình thành nên công dân số và văn hoá số. Xã hội số giúp xoá nhòa khoảng cách, mọi người dân đều bình đẳng trong tiếp cận thông tin số và dịch vụ số (y tế từ xa, giáo dục trực tuyến, dịch vụ công số, giao dịch số...), nâng cao chất lượng cuộc sống, an toàn và hạnh phúc nhờ áp dụng công nghệ số.

Xây dựng xã hội số lấy người dân làm trung tâm, DN đóng vai trò chủ đạo, Chính phủ đóng vai trò bệ đỡ. Dựa trên ứng dụng dữ liệu và công nghệ số để xây dựng một xã hội số đem lại tiện lợi, hạnh phúc, đa dạng cho người dân, nâng cao hiệu quả của Chính phủ và DN.

Các tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ phát triển xã hội số gồm: (1) Danh tính số và hệ thống định danh, xác thực điện tử; (2) Khả năng kết nối mạng; (3) Phương tiện số của người dân; (4) Mức độ sử dụng dịch vụ trên Internet của người dân; (5) Mức độ sử dụng DVC trực tuyến của người dân; (6) Kỹ năng số, nhân lực số và giáo dục điện tử; (7) Mức độ phổ cập của y tế điện tử, dịch vụ tư vấn sức khoẻ, khám chữa bệnh từ xa.

Trong 7 tiêu chí đặc trưng cơ bản của xã hội số nêu trên, có 5 tiêu chí đầu thuộc trách nhiệm quản lý của ngành TT&TT. Hai tiêu chí cuối trách nhiệm chính thuộc về các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh - Xã hội, và Y tế, Bộ TT&TT đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy, tạo dựng hạ tầng, nền tảng.

Kinh tế số và xã hội số có mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, là 2 mặt không tách rời của quá trình phát triển, quá trình CĐS quốc gia, CĐS các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Trước làn sóng mạnh mẽ của cách mạng CĐS, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hầu hết các nước trên thế giới đều đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, pháp luật, ban hành các chiến lược phát triển lĩnh vực rất tiềm năng này. Nhận thức rõ nội hàm kinh tế số và xã hội số gắn liền với vai trò, vị trí và sự phát triển của ngành TT&TT, nhiều nước đã nỗ lực chuyển đổi, nâng tầm hệ thống quản lý ngành này, thay đổi tên gọi và cơ cấu tổ chức của Bộ quản lý chuyên ngành về TT&TT thành Bộ mới với cụm từ “Digital” nổi bật trong tên Bộ để thực thi quản lý Nhà nước về CĐS, kinh tế số. Điển hình như Thái Lan đổi tên Bộ TT&TT thành Bộ Kinh tế và Xã hội số (Ministry of Digital Economyand Society), Áo đổi tên thành Bộ CĐS và kinh tế số (Ministry for Digitaland Economic Affairs), Nga đổi tên thành Bộ Truyền thông và phát triển công nghệ số (Ministry for Digital Development, Communications and Mass Media), v.v....

2. Sự phát triển của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam hiện nay

Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển CPĐT luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của CQNN, chất lượng phục vụ người dân và DN, năng lực cạnh tranh của quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai CPĐT và đã đem lại những kết quả tích cực, cụ thể:

1. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; đây là điều kiện tiên quyết phát triển Chính phủ số. Đến tháng 12/2020, 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hình thành nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu thống nhất trên toàn quốc. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tính đến nay là trên 21 triệu. Hàng ngày, có khoảng 40.000 giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng.

2. Một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quy mô quốc gia đã được hình thành và phát huy hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, như các CSDL về đăng ký DN, bảo hiểm, hộ tịch điện tử; CSDL quốc gia về dân cư đã được khai trương vào ngày 25/2/2021 và được đưa vào sử dụng, khai thác chính thức trên diện rộng từ ngày 1/7/2021 sẽ giúp giảm đáng kể giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính.

3. Một số hệ thống thông tin trong hoạt động nội bộ của CQNN đã được xây dựng và phát huy hiệu quả, đổi mới lề lối, phương thức làm việc của CQNN. Tiêu biểu như, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, trên 90% văn bản điện tử đã được trao đổi giữa các CQNN; Trục liên thông văn bản quốc gia đã được xây dựng để trao đổi văn bản điện tử giữa các bộ, ngành, địa phương; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được thiết lập.

4. Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, DN đã được phát triển và phát huy hiệu quả, đặc biệt là việc cung cấp DVC trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, 4). Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều đã có Cổng DVC; tính đến tháng 6/2021, tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 3, 4 cả nước đạt 60,7%; trong đó tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 3 là 23,3%, tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 4 là 37,4%. Cổng DVC quốc gia đã từng bước tích hợp các DVC trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; đến nay, đã cung cấp trên 2.800 DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc từ năm 2014 đến năm 2020 tăng 13 bậc, từ xếp hạng thứ 99 lên xếp hạng thứ 86 trong 193 quốc gia.

Kinh tế số của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế đã có những bước phát triển nhanh, nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới. Mặc dù chưa có số liệu chính thức, đầy đủ về kinh tế số Việt Nam nhưng qua tổng hợp sơ bộ từ các báo cáo trong và ngoài nước, có thể ước tính kinh tế số Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số ICT/Viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP, và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP.

Về Xã hội số, theo Báo cáo của Hiệp hội thông tin di động toàn cầu (GSMA), Việt Nam được đánh giá là nước phát triển nhanh, với các chỉ số xã hội số liên tục được cải thiện với tốc độ cao, tuy nhiên, chúng ta vẫn đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia trong khu vực Đông Nam Á.

3. Thách thức và yêu cầu hoàn thiện thể chế để thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam hiện nay

Mặc dù chủ trương xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số đã được toàn bộ hệ thống chính trị triển khai quyết liệt song về tổng quan việc triển khai CPĐT chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9/2019 đã nêu rõ “quá trình CĐS quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình CĐS còn nhiều hạn chế”. 

Kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 cho thấy 47,4% DN công nghệ cho rằng Chính phủ cần nâng cấp hạ tầng công nghệ số quốc gia. Để xây dựng Chính phủ số và CĐS thành công cần xây dựng hạ tầng số với CSDL quốc gia, bao gồm hạ tầng thiết bị, truyền thông, hạ tầng dữ liệu, ứng dụng và không thể thiếu hạ tầng nghiên cứu phát triển. Trong đó, việc quan trọng nhất là kết nối CSDL của các bộ, ngành, địa phương. 

Bên cạnh hạ tầng số, thể chế và khung pháp lý cũng là một trong những thách thức lớn của Chính phủ số. Trong Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập ở trên, cũng đã nêu rõ rằng “thể chế, chính sách còn nhiều bất cập”. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý phù hợp với thời đại số là rất cần thiết. Đây có thể được coi là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy, phát triển Chính phủ số.

Kinh tế số, xã hội số Việt Nam cũng đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn, điển hình như: Hệ thống thể chế, pháp luật chưa tạo thuận lợi cho cho CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc thực thi quản lý Nhà nước, xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số còn bất cập. Kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Năng lực CĐS của DN còn yếu; lực lượng DN nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, các nền tảng số "Make in Viet Nam" còn non trẻ lại bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài.

Thể chế và quy định pháp luật cho CĐS và các hoạt động kinh tế số của Việt Nam cho đến nay được đánh giá là chậm hoàn thiện. Chúng ta cũng chưa ban hành chiến lược tổng thể của quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Hệ thống văn bản pháp luật ban hành thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu CĐS, phát triển kinh tế số. Còn thiếu các quy định về giao dịch dữ liệu, bảo vệ CSDL, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư, cũng như tạo lập niềm tin trên không gian số; thiếu quy định về quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo; các quy định về danh tính số, định danh và xác thực điện tử cho người dân còn chậm được ban hành.

Để hoàn thiện thể chế, trước hết cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế số, xã hội số, bao gồm: sửa đổi Luật Giao dịch điện tử theo hướng bổ sung các nội dung mới về kinh tế số phù hợp với yêu cầu phát triển của lĩnh vực; xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý kinh tế nền tảng và kinh doanh trên mạng Internet; hoàn thiện và ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử; hoàn thiện và trình phê duyệt Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; ban hành các văn bản quy định về các quy tắc ứng xử trên môi trường số cũng như các quy định nhằm tạo lập niềm tin, đánh giá tín nhiệm trên không gian mạng.

Song song với việc rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật, Chính phủ cũng cần nhanh chóng xây dựng, ban hành các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số, bao gồm: Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; Chiến lược quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam; Chiến lược dữ liệu số quốc gia; Chương trình hỗ trợ CĐS cho DN; và Chương trình đào tạo kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực số quốc gia. Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng, ban hành các chiến lược, chương trình tạo dựng hạ tầng, nền tảng số để hỗ trợ phát triển như: Chiến lược Chính phủ số; Chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia; Chiến lược phát triển bưu chính; Chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia.

Với việc rất sớm ban hành các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, và Chương trình chuyển đổi số quốc gia, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc CMCN 4.0, cách mạng CĐS, và chúng ta có cơ hội lớn để bứt phá, vượt lên. Khi cuộc cách mạng số, CMCN 4.0 xảy ra thì tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý Nhà nước, cả DN, cả hệ thống thể chế, pháp luật đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận, để đưa nước ta vượt lên, thành một quốc gia số, thịnh vượng, hùng cường, sánh vai với các cường quốc khắp năm châu./.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng
(Bài đăng trên ấn phẩm Thông tin tham khảo "Quốc hội và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" do Thư viện Quốc hội phát hành)

 Tài liệu tham khảo:
1. Natalja Verina, Jelena Titko, Digital Transformation: Conceptual Framework, International Scientific Conference: Contemporary Issues In Business, Management And Economics Engineerings' 2019, 10/5/2019.

2. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cẩm nang Chuyển đổi số, XB 2020, tr.15.

3. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cẩm nang Chuyển đổi số, XB 2020, tr.79.

4. Theo Nguyễn Thanh Thảo, "Định hình nền kinh tế số hướng tới hình thành khung khổ chính sách – Kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế" ̧ có tại Mục Kinh nghiệm triển khai - Bài học kinh nghiệm, đăng tải trên website của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, Ngày đăng: 29/12/2020.

 

About