Skip to main content

Hội nghị trực tuyến Tổng kết Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020

Chiều 12/01/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TTTT, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ TTTT; thành viên Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam…

          Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Phương Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở TTTT; đại diện lãnh đạo đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; đại diện các phòng, đơn vị thuộc Sở TTTT.

tin tuc

Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn.

          Ngày 28/12/2020, Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc; đã giải phóng được băng tần 700MHz, là băng tần rất quý hiếm, dùng cho phát triển thông tin di động 5G. Sau một năm hoàn thành Đề án, trong số các phương thức truyền hình thì truyền hình số mặt đất được đông đảo người dân tại nhiều khu vực sử dụng. Trong đó tỷ lệ thu xem truyền hình số mặt đất năm 2021 tăng so với năm 2020 tại các khu vực: miền Tây Nam Bộ (tăng 3 điểm %), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (tăng 7 điểm %), TP. Cần Thơ (tăng 2 điểm %). Đến nay, 100% các Đài phát thanh, truyền hình địa phương đã tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của Đài, hoạt động theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hóa, từng bước thực hiện đào tạo, sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng để phù hợp với yêu cầu tập trung vào sản xuất chương trình phát thanh truyền hình và truyền dẫn phát sóng.

          Bộ TTTT đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 24 hội nghị tập huấn, với sự tham gia của 4.750 cán bộ thông tin cơ sở; sản xuất 83 chương trình phát thanh, 82 chương trình truyền hình; sản xuất 70 chương trình phát thanh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; phối hợp với các công ty thông tin di động triển khai nhắn tin tuyên truyền về số hóa truyền hình. Đề án đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho gần 1,9 triệu hộ dân với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Một số địa phương còn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn địa phương và các hộ gia đình chính sách từ nguồn kinh phí của địa phương.

          Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TTTT đã trao tặng Bằng khen cho 53 tập thể và 47 cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia triển khai Đề án. Trong đó, tập thể Sở TTTT tỉnh Lạng Sơn và cá nhân đồng chí Trình Thị Nga, Trưởng phòng Hạ tầng số được Bộ trưởng Bộ TTTT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020.

tin tuc

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ TTTT, đồng chí Phương Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở TTTT tỉnh Lạng Sơn đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TTTT cho đồng chí Trình Thị Nga,  Trưởng phòng Hạ tầng số - Sở TTTT

          Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng biểu dương những người đã đóng góp cho cuộc chuyển đổi có tính cách mạng về công nghệ truyền hình. Đồng chí cho biết, Việt Nam đã chuyển đổi mạng viễn thông từ analog sang số, tiếp theo là số hóa truyền hình và bây giờ là số hóa toàn diện, đưa toàn bộ thế giới thực lên không gian số. Đồng chí khẳng định: Việt Nam đã giữ đúng cam kết với toàn khối ASEAN là hoàn thành việc tắt sóng vào năm 2020. Trên thế giới, Việt Nam là nước thứ 78/193 nước hoàn thành việc dừng phát sóng truyền hình tương tự, thuộc nhóm các nước hoàn thành sớm. Việc chuyển từ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số thế hệ thứ hai giúp chúng ta đi cùng với các nước dẫn đầu của thế giới về mô hình truyền hình. 

Phạm Thảo

Trung tâm Công nghệ số

About