Skip to main content

Lạng Sơn tổ chức họp Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh

Chiều 28/6/2022, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; kết quả triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh chủ trì cuộc. 

Tham dự cuộc họp có Thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn tại Quyết định số 2041/QĐ-UBND ngày 13/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh; Thành viên Tổ công tác liên ngành chỉ đạo triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh tại Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 19/2/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh; Thành viên Tổ giúp việc Ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn tại Quyết định số 97/QĐ-BCĐ ngày 14/6/2022 của Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh.

cc

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh chủ trì cuộc họp

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, việc triển khai chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số, phát triển cửa khẩu số được các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Lạng Sơn là một trong những tỉnh, thành đi đầu trong chuyển đổi số. Trong đó, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên triển khai thành công Nền tảng cửa khẩu số; Là tỉnh đầu tiên triển khai nền tảng “Lạng Sơn Cloud” Make in Việt Nam. Giá trị đầu tư của nhà nước rất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước đồng thời là kinh nghiệm, mô hình mẫu để Nền tảng điện toán đám mây Make-in-Vietnam có thể nhân rộng toàn quốc; Là tỉnh đầu tiên triển khai App “Công dân số Xứ Lạng” với ý tưởng “một cửa điện tử” của các Nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên quy mô toàn tỉnh; là tỉnh đầu tiên triển khai Trợ lý ảo iSee Lạng Sơn giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm, truy cập cổng dịch vụ công của tỉnh. Lạng Sơn cũng là là tỉnh đầu tiên chuyển 100% hoạt động của các trường học lên nền tảng số, 100% giáo viên sử dụng chữ ký số thay thế học bạ giấy, bảng điểm giấy; là tỉnh đứng thứ hai toàn quốc về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Việt Nam, đứng thứ 6 toàn quốc về giao dịch thành công trên sàn thương mại điện tử Việt Nam…

Công cuộc chuyển đổi số của tỉnh góp phần tích cực nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Cụ thể: Năm 2021 Chỉ số PAPI của tỉnh Lạng Sơn đạt 45,84 điểm, xếp hạng 04/63 tỉnh,thành phố, tăng 3,47 điểm và tăng 33 bậc so với năm 2020; nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021, tỉnh Lạng Sơn xếp vị trí thứ 36/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 6/14 tỉnh, thành phố khu vực Miền núi phía bắc, đạt 63,92 điểm, tăng 1,49 điểm và tăng 13 bậc so với năm 2020. Đây là năm tỉnh Lạng Sơn có điểm số cao nhất, thứ hạng cao thứ hai kể từ trước tới nay (năm 2012 đạt 56,29 điểm, xếp vị trí thứ 34/63 tỉnh, thành phố).

Về tình hình triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, Sau 08 tháng xây dựng, Lạng Sơn đã tạo ra một Nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại như: AI, Bigdata, Cloud và Bảo đảm về an toàn thông tin giúp doanh nghiệp, các lực lượng chức năng thực hiện các hoạt động trên một Nền tảng số duy nhất để giảm thời gian cho doanh nghiệp thông quan, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn, cùng với đó là thay đổi, thống nhất quy trình để tăng cường khả năng tự động hóa, giảm thiểu tác động của con người trong các hoạt động tại cửa khẩu. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bến bãi đã sử dụng Nền tảng cửa khẩu số, khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh. Nền tảng cửa khẩu số hoạt động đảm bảo các tính năng, quy trình nghiệp vụ, an toàn an ninh mạng của các lực lượng chức năng hoạt động tại cửa khẩu. Triển khai Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn mang tính định hướng toàn diện phù hợp với các quy định của Đảng, Nhà nước và địa phương, tạo nền móng vững chắc để phát triển kinh tế cửa khẩu. Nền tảng cửa khẩu số đã sẵn sàng đi vào hoạt động chính thức và nhân rộng ra các tỉnh, thành phố có cửa khẩu trên cả toàn quốc.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cùng trao đổi về những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số của tỉnh; những hạn chế trong việc triển khai, đồng thời đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Sau khi nghe ý kiến từ các sở, ngành, đơn vị liên quan, đồng chí Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã giải trình, làm rõ và đưa ra phương án xử lý những thắc mắc, kiến nghị của các sở, ngành về công tác chuyển đổi số nói chung và triển khai Nền tảng cửa khẩu số nói riêng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức chung của xã hội về chuyển đổi số đặc biệt là những người làm công tác chuyển đổi số; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi số của tỉnh; chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương xem xét để triển khai các dự án về chuyển đổi số. Đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành, của cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá về hiệu quả trong quá trình thực hiện chuyển đổi số để chuyển đổi số mang lại hiệu quả tích cực;…

Đối với việc triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh đã thực hiện thành công thí điểm Nền tảng cửa khẩu số, mặc dù vẫn còn khó khăn vướng mắc như: hạ tầng, thiết bị còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có sự liên thông về cơ sở dữ liệu. Thời gian tới, đồng chí giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương chỉnh sửa, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh; các sở, ngành, lực lượng liên quan tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện Nền tảng cửa khẩu số. Đồng chí đề nghị kiến nghị: Bộ Thông tin và Truyền thông định hình rõ và có khái niệm đầy đủ về cửa khẩu số để tỉnh hoàn thiện Nền tảng cửa khẩu số; các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo liên thông cơ sở dữ liệu của Nền tảng cửa khẩu số với các bộ, ngành, chức năng có liên quan ở cấp Trung ương và giữa các địa phương với nhau; đề nghị các cơ quan Trung ương xem xét đầu tư kinh phí, trang thiết bị để hoàn thiện các nội dung của cửa khẩu số và tiến tới xây dựng biên giới số.

Phạm Thảo

Phòng Chuyển đổi số

About