Skip to main content

Lạng Sơn: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử

Thời gian qua, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt một số thành công bước đầu, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải cách hành chính, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức.

Hoạt động ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, điều hành được nâng cao, tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).  Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã triển khai đến 100% các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trong đó: cấp tỉnh có 20 đơn vị sử dụng, cấp huyện có 11 đơn vị sử dụng, cấp xã có 200 đơn vị sử dụng, tổng số có 15.630 người sử dụng, hệ thống cơ bản đáp ứng được yêu cầu xử lý công việc của cán bộ, công chức... Tổng số văn bản điện tử trên toàn tỉnh từ tháng 01/2021 đến hết tháng 8/2021 là 235.300/246.600 văn bản, đạt tỷ lệ trên 95,4% văn bản trao đổi giữa các cơ quan dưới dạng điện tử.

chinh-quyen-dien-tu.jpeg

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh có 213 điểm cầu. Trong đó: cấp xã 200 điểm cầu, cấp huyện 11 điểm cầu, cấp tỉnh 02 điểm cầu.Hệ thống hoạt động hiệu quả, chất lượng âm thanh, hình ảnh cơ bản đáp ứng yêu cầu, tổ chức các cuộc họp nhanh, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí, trong 8 tháng đầu năm có 286 cuộc họp (trong đó có 2 cuộc họp 4 cấp, 21 cuộc họp 3 cấp, 263 cuộc họp 2 cấp), do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên hầu hết các cuộc họp thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Các tổ chức, cá nhân lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được cấp chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để thực hiện ký số văn bản điện tử. Trên toàn tỉnh hiện nay có 734 chứng thư số tổ chức, 1.578 chứng thư số cá nhân. Từ đầu năm 2021 đến nay đã cấp 398 chứng thư số (Trong đó: cấp tỉnh 38 chứng thư số, cấp huyện 45 chứng thư số, cấp xã 315 chứng thư số). Các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng hiệu quả chữ ký số được cấp, 100% văn bản điện tử gửi đi được ký số, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm chi phí, tạo được môi trường làm việc hiện đại.

Lạng Sơn cũng đang triển khai thí điểm Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành tại UBND tỉnh với 10 modul dịch vụ thông minh, kết nối các nền tảng ứng dụng hiện có, tổng hợp, phân tích, khai thác dữ liệu theo thời gian thực phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và của UBND tỉnh, nâng cao hiệu quả của cơ quan nhà nước, tương tác giữa chính quyền với người dân nhằm giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trung tâm điều hành đô thị thông minh cũng đang được triển khai tại UBND thành phố Lạng Sơn và thi công kết nối các dịch vụ thông minh. UBND thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quản lý, vận hành và Kế hoạch vận hành thí điểm. Hiện nay Trung tâm đang chạy thử nghiệm, dự kiến chính thức hoạt động trong Qúy III năm 2021.

Tính đến tháng 8/2021, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, với 1.016 dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh và sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, nỗ lực của tập thể hàng trăm chuyên gia, cán bộ kỹ thuật từ trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài tỉnh, tỉnh Lạng Sơn hoàn thành trước tiến độ 7 tháng theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (việc 7 tháng hoàn thành trong 01 tháng). Việc hoàn thành triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, giúp cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải đến cơ quan, công sở, tập trung đông người, giảm đáng kể chi phí về thời gian, tiền bạc, tăng hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội.

Công tác đảm bảo an toàn thông tin được triển khai đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp (lực lượng tại chỗ, giám sát chuyên nghiệp, độc lập kiểm tra, kết nối với hệ thống giám sát quốc gia). Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện giám sát 24/7 đối với toàn bộ máy tính của các cơ quan, đơn vị, hàng tuần đều có tổng hợp số liệu, báo cáo về tình hình lây nhiễm mã độc gửi các cơ quan, đơn vị để nắm tình hình và phòng, chống mã độc.

Chỉ số xếp hạng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin năm 2020 (chỉ số ICT- Index), tỉnh Lạng Sơn đứng thứ 21/63 thành, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2019.

Trong thời gian tới, để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án xây dựng CQĐT tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2025; giữ vững và phấn đấu cải thiện ví trí xếp hạng xây dựng CQĐT so với năm trước từ 1 - 2 bậc... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ xây dựng CQĐT, chính quyền số và đô thị thông minh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, báo địa phương, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Fanpage trên mạng xã hội Facebook, qua tin nhắn đến các số điện thoại di động, mạng Zalo, thư điện tử công vụ. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, ứng dụng chữ ký số, sử dụng các phần mềm, các hệ thống thông tin dùng chung mà tỉnh đã hoàn thành triển khai xây dựng…

Hoàng Thị Tố Loan

       Trung tâm CNTT & Truyền thông

 

About