Skip to main content

Một số kết quả nổi bật trong công tác triển khai chuyển đổi số quý I năm 2023

Quý I năm 2023, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tiếp theo.

Về kết quả phát triển chính quyền số, 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã duy trì sử dụng hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice) để xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông (không gửi văn bản giấy) (Trừ văn bản mật).

Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trong quý I năm 2023 đã cấp mới 410 chứng thư số, chữ ký số (trong đó: 399 chữ ký số cho cá nhân; tổ chức 11 chứng thư số cho tổ chức ), đề nghị thu hồi 09 thiết bị (trong đó 03 chứng thư số tổ chức; 06 chữ ký số cá nhân), cấp mới 41 Sim ký số. Các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng hiệu quả chữ ký số được cấp, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của cơ quan trong việc bảo đảm xác thực và bảo mật thông tin, 100% văn bản điện tử gửi đi được thực hiện ký số, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm chi phí, tạo được môi trường làm việc hiện đại, góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý điều hành công việc.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, đã triển khai cung cấp 1.814 DVCTT, trong đó có 385 DVCTT mức độ 2; 402 DVCTT một phần; 1.027 DVCTT toàn trình (đạt 56,62%). Từ ngày 01/01/2023 đến 31/3/2022, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh tiếp nhận 92.599 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tiếp 6.429 hồ sơ (chiếm 6,94%), tiếp nhận trực tuyến 86.170 hồ sơ (đạt 93,06%). Đã giải quyết 91.348 hồ sơ, trong đó giải quyết trước hạn, đúng hạn 89.932 hồ sơ (đạt 98,45%), giải quyết chậm hạn 1.416 hồ sơ (chiếm 1,55%).

Phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã để cập nhật, quản lý, theo dõi và khai thác thông tin hồ sơ CBCCVC. Đến thời điểm hiện tại, tổng số hồ sơ CBCCVC được cập nhật trên hệ thống phần mềm là 30.237 hồ sơ. Việc triển khai Nền tảng Công dân số Xứ Lạng, tài khoản thanh toán điện tử, tài khoản mua sàn thương mại điện tử tiếp tục được quan tâm. Theo đó, đến nay đã cài đặt được 741.457 tài khoản, trong đó: tài khoản Công dân số Xứ Lạng 217.220 tài khoản; tài khoản thanh toán điện tử: 256.621 tài khoả; tài khoản mua sàn thương mại điện tử: 267.616 tài khoản.

Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng đã triển khai gắn mã QR Code biển tên đường, phố, công trình công cộng và khu di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã triển khai gắn mã QR Code 797 biển tại 413 tuyến đường, phố, công trình công cộng và khu di tích danh thắng.

Về phát triển hạ tầng số, trong quý I năm 2023 đã phát triển 07 vị trí trạm BTS, nâng tổng số vị trí trạm BTS hiện nay là 1.351 vị trí với 3.186 trạm (853 trạm 2G; 1.223 trạm 3G và 1.135 trạm 4G). Trong đó đã xoá trắng sóng được 55/128 thôn, xoá sóng yếu được 55/140 thôn). Đến thời điểm hiện tại còn 73/128 thôn bản trắng sóng, 85/140 thôn sóng yếu.

Về phát triển ATM, đã hoàn thành xây dựng giải pháp, nền tảng số ATM mềm sẵn sàng cho 200 xã, phường, thị trấn (được xây dựng bởi Ngân hàng Quân đội MB Bank và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam); đã triển khai chính thức cho 93 điểm ATM của tỉnh (có đủ máy tính, két sắt, không gian) và VNPost đang lập kế hoạch đầu tư thiết bị để mở rộng. Xây dựng nền tảng số cho ATM mềm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn, dịch vụ công, chính sách xã hội với người về hưu, hưởng lương ngân sách.

Kinh tế số được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp các lĩnh vực kinh tế. Kinh tế số nông nghiệp nông thôn tiếp tục duy trì phát triển nhanh và bền vững trên sàn thương mại điện tử Portmart.vn và Voso.vn. Đến hết quý I năm 2023, Lạng Sơn có 20.978 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, tăng 1.141 sản phẩm so với cùng kỳ, đứng thứ 02 toàn quốc; có 48.837 giao dịch thành công, tăng 3.315 giao dịch so với cùng kỳ, đứng thứ 04 toàn quốc.

Về triển khai Nền tảng cửa khẩu số, từ 01/01/2023 đến ngày 31/3/2023, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số. Số phương tiện đã được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số là 64.434 phương tiện (trong đó, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 9.309 phương tiện xuất và 31.873 phương tiện nhập; tại cửa khẩu Tân Thanh có 15.637 phương tiện xuất và 7.615 phương tiện nhập). Nền tảng cửa khẩu số đã nâng cấp 25 lần để phù hợp với tình hình thực tế tại cửa khẩu. Đến nay, Nền tảng cửa khẩu số đã chạy ổn định, đa số các doanh nghiệp thành thạo khai báo thông tin trực tuyến và đã có hơn 1.420 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Nền tảng cửa khẩu số.

Công tác phát triển nguồn nhân lực làm chuyển đổi số, tập huấn kỹ năng số được tỉnh tiếp tục quan tâm và duy trì thực hiện. Trong đó, ngày 30/12/2022, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND Quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2025 với mục đích hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2025; giúp tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời tạo cơ chế huy động nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời; các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương cơ bản được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng lộ trình đề ra, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quý II năm 2023, để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nghiên cứu, đề ra các cơ chế, chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Quán triệt tổ chức thực hiện tốt chủ đề của năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia”.

Tỉnh cũng sẽ duy trì nâng cấp phần mềm Quản lý hồ sơ CBCCVC tỉnh Lạng Sơn đảm bảo đáp ứng 109 trường thông tin tại mẫu Sơ yếu lý lịch hợp nhất theo quy định của Bộ Nội vụ; cập nhật bổ sung thông tin, dữ liệu “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”, bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC do Bộ Nội vụ quản lý. Đồng thời, triển khai Kế hoạch nhân rộng Nền tảng cửa khẩu số ra các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai thí điểm Nền tảng học, thi trực tuyến môn ngoại ngữ và Nền tảng đánh giá cán bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Ngoài ra, tích cực triển khai nhiều giải pháp khác như: Bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin, CSDL của tỉnh; Bảo đảm an toàn, bảo mật trong trao đổi dữ liệu điện tử trên môi trường mạng; Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước, tích hợp vào điện thoại thông minh; Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, là một trong những chỉ tiêu để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị thực hiện không nghiêm túc, đồng thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt công tác chuyển đổi số…

Hoàng Thị Tố Loan

Trung tâm Công nghệ số

About