Skip to main content

Một số kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số 9 tháng đầu năm 2023

Trong 9 tháng đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục được tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tiếp theo.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được duy trì hoạt động ổn định, đến thời điểm hiện tại đã triển khai cung cấp được 1.439 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó có 422 DVCTT một  phần, 1.017 DVCTT toàn trình (đạt  70,7%),  còn  344 DVC chưa cung cấp trực tuyến (do chưa đáp ứng điều  kiện  triển  khai DVCTT). Ngoài ra, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện tích hợp, đồng bộ dữ liệu đối với 1.707 TTHC; cung cấp, công khai 1.307 DVCTT (450 DVCTT một phần; 857 DVCTT toàn trình) phục vụ nhu cầu giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp; tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia (Payment Platform) phục vụ nhu cầu thanh toán phí/lệ phí giải quyết TTHC trực tuyến trong giải quyết TTHC; thường xuyên kiểm tra, rà soát, hiệu chỉnh chức năng đồng bộ trạng thái giải quyết hồ sơ từ Cổng DVCTT của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 15/9/2023, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã tiếp nhận 285.773 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 270.599 hồ sơ (đạt 94,7%), tiếp nhận trực tiếp 15.174 hồ sơ (chiếm 5,3%); đã giải quyết 279.006 hồ sơ, trong đó giải quyết trước hạn và đúng hạn 274.800 hồ sơ (đạt 98,5%), giải quyết chậm hạn 4.206 hồ sơ (chiếm 1,5%).

Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh (IOC) tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, cung cấp, cập nhật số liệu thường xuyên, theo thời gian thực trên 09 lĩnh vực: giám sát điều hành kinh tế - xã hội; giám sát điều hành lĩnh vực y tế; cửa khẩu số; giám sát điều hành văn bản điện tử; giám sát điều hành giáo dục; giám sát lĩnh vực hành chính công; hệ thống camera giám sát; giám sát điều hành phản ánh kiến nghị; hệ thống giám sát mạng xã hội... Hiện nay, đã cấp 86 tài khoản sử dụng trên web và app cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Người sử dụng có thể theo dõi dữ liệu theo toàn tỉnh, theo đơn vị cấp huyện, theo lĩnh vực quản lý... Kết quả xử lý phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp từ 01/01/2023 đến ngày 15/9/2023: có tổng số 205 phản ánh kiến nghị, trong đó 155 phản ánh kiến nghị đã xử lý, 27 phản ánh kiến nghị đang xử lý, 23 phản ánh kiến nghị từ chối xử lý.

Kho dữ liệu số hoá của tỉnh được đầu tư, triển khai đồng bộ đến 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, được kết nối liên thông với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh phục vụ công tác số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng thông tin, kết quả giải quyết TTHC đã số hoá. Đến thời điểm hiện tại, tổng số hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện số hoá lên Kho dữ liệu số hoá của tỉnh là 231.439 hồ sơ.

Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Cuộc thi diễn ra trong 04 tuần, với 54.898 tài khoản được lập trên hệ thống; có tổng số 424.810 lượt thí sinh dự thi và đã xác định được 44 thí sinh đạt giải cá nhân và 13 cơ quan, đơn vị đạt giải tập thể. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 100% cán bộ một cửa của các cơ quan, đơn vị khai thác dịch vụ xác thực, tra cứu thông tin công dân trên CSDLQG về dân cư phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC.

Kinh tế số tiếp tục được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp các lĩnh vực kinh tế. Kinh tế số nông nghiệp nông thôn tiếp tục duy trì phát triển nhanh và bền vững. Đến 15/9/2023, Lạng Sơn có 20.984 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 02 toàn quốc; có 48.920 giao dịch thành công, đứng thứ 04 toàn quốc. Có 228.009 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số/hộ gia đình đạt 93% đứng thứ 3 toàn quốc.

Về triển khai Nền tảng Công dân số Xứ Lạng: Đến ngày 15/9/2023 đã cài đặt được 637.125 tài khoản (đạt 134% kế hoạch, chỉ tiêu 80% dân số), trong đó: tài khoản Công dân số Xứ Lạng 233.880 tài khoản; tài khoản thanh toán điện tử: 265.865 tài khoản; tài khoản mua/bán trên sàn thương mại điện tử: 238.102 tài khoản (PostMart 185.828 tài khoản, Voso 52.274 tài khoản). Đến 15/9/2023, trên toàn tỉnh có 1.381 điểm cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử và nạp rút tiền mặt do VNPT và Viettel cung cấp, trong đó VNPT cung cấp 41 điểm, Viettel cung cấp 1.340 điểm; trên 90% điểm kinh doanh cố định có dịch vụ thanh toán điện tử qua mã QR Code. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, Lạng Sơn có tỷ trọng kinh tế số chiếm 12,52% GRDP của tỉnh, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Lạng Sơn là một trong 05 tỉnh, thành phố dẫn đầu về mức độ lan tỏa ICT trong các ngành, hoạt động kinh tế khác.

Về phát triển xã hội số, đã triển khai 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện kết nối với bệnh viện tuyến trên phục vụ khám chữa bệnh qua nền tảng công nghệ số; 100% trung tâm y tế huyện/thành phố triển khai triển khai ứng dụng Tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở; 100% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện kết nối liên thông với Bảo hiểm xã hội; 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập hoàn thành triển khai kê đơn thuốc điện tử theo quy định tại Thông tư số 27/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử; 95% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Bước đầu hình thành Cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân của Sở Y tế. Hiện nay, 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố đã triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, ngành giáo dục đã triển khai thu học phí và các loại hình dịch vụ không dùng tiền mặt; đến nay có 644 trường đã ký hợp đồng sử dụng phần mềm hỗ trợ công tác thanh toán không dùng tiền mặt; 609 trường học sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Về triển khai Nền tảng cửa khẩu số: Nền tảng cửa khẩu số đã nâng cấp 27 lần để phù hợp với tình hình thực tế tại cửa khẩu. Từ ngày 01/01/2023 - 15/9/2023, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số. Số phương tiện đã được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số là 238.195 phương tiện (trong đó cửa khẩu: quốc tế Hữu Nghị có 49.333 phương tiện xuất và 110.049 phương tiện nhập, Tân Thanh có 50.255 phương tiện xuất và 28.558 phương tiện nhập).

Trong 3 tháng cuối năm 2023, để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nghiên cứu, đề ra các cơ chế, chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; Tiếp tục quán triệt tổ chức thực hiện tốt chủ đề của năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia”. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức đối với các vấn đề liên quan đến dữ liệu, xác định dữ liệu là một nguồn tài nguyên quý giá càng dùng càng tạo ra giá trị lớn hơn, từ đó nghiên cứu, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khai thác nguồn tài nguyên này.

Duy trì nâng cấp phần mềm Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn đảm bảo đáp ứng 109 trường thông tin tại mẫu Sơ yếu lý lịch hợp nhất theo quy định của Bộ Nội vụ; cập nhật bổ sung thông tin, dữ liệu “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”, bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý. Đồng thời, triển khai đào tạo tập huấn hướng dẫn số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cho các cơ quan, đơn vị; tiếp tục triển khai Kế hoạch triển khai thí điểm Nền tảng học, thi trực tuyến môn ngoại ngữ và Nền tảng đánh giá cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị của địa phương về chuyển đổi số bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể, như tuyên truyền trên báo, đài, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, mạng xã hội, qua tin nhắn đến các số điện thoại di động...

Hoàng Thị Tố Loan

Trung tâm Công nghệ số

About