Skip to main content

Việt Nam – Thành viên tích cực của ITU

          Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của ITU, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, sửa đổi Thể lệ vô tuyến điện của ITU. Điều đó được thể hiện qua việc Việt Nam liên tục có các đóng góp sửa đổi các qui định thể lệ quan trọng trong băng tần qui hoạch, không qui hoạch, sửa đổi qui định về qui trình, thủ tục đăng ký phối hợp tần số, quỹ đạo vệ tinh tại các Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2003 (WRC-03), 2007 (WRC-07), 2012 (WRC-12) cũng như các cuộc họp nhóm nghiên cứu ITU-R, các cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới (CPM), các hội nghị thông tin vô tuyến khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APT).

          Tại hội nghị WRC-03, Cục Tần số vô tuyến điện – Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi 03 đề xuất (contribution): Một là, sử dụng anten công nghệ mới trong băng tần qui hoạch để có thể tăng công suất phát của vệ tinh lên thêm 03 dB. Hai là,  giảm mức giới hạn đường kính anten sử dụng trong băng tần 13.75-14GHz từ 4.5m xuống 1.2m để có thể sử dụng được nghiệp vụ FSS phổ biến trong đoạn băng tần này. Ba là, sửa đổi thủ tục trong băng tần qui hoạch cho rõ ràng, minh bạch hơn. Các đề xuất của Việt Nam đã được hội nghị thông qua, cập nhật trong các qui định của Thể lệ Vô tuyến điện thế giới.
          Tại hội nghị WRC-07, Cục Tần số tiếp tục gửi 03 đề xuất tới Hội nghị: Một là, hồ sơ mạng vệ tinh của Việt Nam được gia hạn trong trường vệ tinh VINASAT-1 bị phóng hỏng. Hai là, bổ sung quyền lợi của Việt Nam bằng việc ghi tên Việt Nam vào trong ghi chú 5.503 để có thể sử dụng băng tần 14-14.3GHz cho nghiệp vụ cố định. Ba là, sửa đổi thủ tục đăng ký quỹ đạo trong băng tần qui hoạch AP30B để Việt Nam có khả năng đăng ký thành công vị trị quỹ đạo trong băng tần qui hoạch để phóng vệ tinh VINASAT-2.

 

          Tại hội nghị WRC-12, Cục Tần số có 04 đề xuất tới Hội nghị: Một là, đối với băng tần  21.4 – 22 GHz thì nghiệp vụ vệ tinh và cố định có quyền sử dụng như nhau để bảo vệ các mạng mặt đất của Việt Nam. Hai là, phân bổ thêm tần số trong dải 3 – 50 MHz cho nghiệp vụ vô tuyến định vị với ứng dụng radar quan trắc biển. Ba là, sửa đổi thủ tục vệ tinh cho phép quản lý hiệu quả hơn. Bốn là, thay đổi Thể lệ Vô tuyến điện, cho phép gia hạn hồ sơ vệ tinh thêm 03 năm trong trường hợp phóng hỏng. Đề xuất này đã được Hội nghị CPM11-2 đồng ý đưa vào bản báo cáo cuối của Hội nghị để các nước tiếp tục nghiên cứu, thảo luận tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới năm 2012 (WRC-12). Và tại Hội nghị WRC-12, đề xuất này đã được thông qua.

          Với việc liên tục có các đóng góp, đề xuất sửa đổi, bổ sung các qui định của Thể lệ Vô tuyến điện quốc tế, Việt Nam đã bảo vệ lợi ích quốc gia, hài hòa lợi ích khu vực, quốc tế và được cộng đồng thông tin vô tuyến thế giới tin tưởng, đánh giá cao.

          Nhằm tăng cường vai trò, vị trí và đóng góp của Việt Nam tại khu vực, Cục Tần số đã ứng cử làm Chủ tịch các nhóm soạn thảo của Hội nghị APG của khu vực Châu Á Thái Bình Dương chuẩn bị cho Hội nghị Vô tuyến quốc tế WRC-15 với thời gian đảm nhiệm các vị trí này từ Hội nghị APG15-2 (2013) cho tới Hội nghị Vô tuyến thế giới WRC-15 (2015). 04 Chủ tịch nhóm soạn thảo của Việt Nam được phê chuẩn trong tổng số hơn 20 nhóm soạn thảo của Hội nghị cho thấy Hội nghị đã ghi nhận vai trò và sự đóng góp tích cực của Việt Nam tại diễn đàn lớn nhất của khu vực về thông tin vô tuyến. Việt Nam đã dẫn đầu các nước ASEAN trong lĩnh vực này không chỉ về đóng góp trực tiếp tại hội nghị, các đề xuất hài hoà quan điểm chung của khu vực mà còn còn tham gia điều hành, thảo luận, soạn thảo trực tiếp văn bản của hội nghị.

          Liên tục tại ba kỳ Hội nghị Toàn Quyền liên tiếp - Năm 1994, (Plenipotentiary Conference, Kyoto, 1994), năm 1998 (Plenipotentiary Conference, Minneapolis, 1998) và năm 2002 (Plenipotentiary Conference, Marrakesh, 2002) - Việt Nam được bầu vào Hội đồng Thông tin vô tuyến thế giới (ITU Council). Như vậy, Việt Nam đảm nhiệm vai trò là thành viên của Hội đồng Thông tin vô tuyến thế giới trong thời gian liên tục 13 năm (từ năm 1994 tới năm 2006). ITU Council là tổ chức chủ quản của ITU, có vai trò xem xét toàn diện các vấn đề chính sách thông tin vô tuyến, viễn thông để đảm bảo các hoạt động, chính sách, chiến lược của ITU đáp ứng sự phát triển năng động, thay đổi không ngừng của công nghệ, môi trường thông tin vô tuyến, viễn thông.  

          Đặc biệt, năm 2014, tại thành phố Busan, Hàn Quốc,  Hội nghị Toàn quyền đã tiến hành bầu cử các vị trí cho Ủy ban Thể lệ vô tuyến quốc tế (RRB) và ứng cử viên Việt Nam đã xuất sắc trúng cử vào Ủy ban Thể lệ vô tuyến quốc tế của ITU, nhiệm kỳ 2015-2018.

          Đây là sự kiện đặc biệt, nổi bật, là lần đầu tiên Việt Nam trúng cử vào RRB - Một Ủy ban đặc biệt của ITU bao gồm 12 chuyên gia được lựa chọn từ 5 khu vực. RRB có quyền lực cao nhất chỉ sau WRC (Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới) trong việc đưa ra các hướng dẫn và giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng tần số/quỹ đạo vệ tinh và thực thi các quy định của Thể lệ vô tuyến điện, xử lý các vụ kiện tụng của các nước liên quan tới lĩnh vực thông tin vô tuyến.

          Sự tham gia tích cực của Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) vào các hoạt động của ITU - Từ các nhóm nghiên cứu ITU-R, các cuộc họp trù bị chuẩn bị cho Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới, các hội nghị thông tin vô tuyến khu vực, Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới (WRC) - đã góp phần hoàn thiện các qui định quốc tế liên quan đến việc quản lý, sử dụng, khai thác phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh. Qua đó nâng cao được vị thế, vai trò của Việt Nam, bảo vệ được lợi ích của Việt Nam, hài hòa với lợi ích của khu vực, quốc tế, đóng góp chung cho sự phát triển của lĩnh vực thông tin vô tuyến, viễn thông được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao./.

                                                                                                   Nguồn Mic.gov.vn

About