Skip to main content

Kinh tế số là cơ hội to lớn giúp Lạng Sơn phát triển

          Lạng Sơn chọn phương án phát triển kinh tế số từ những việc nhỏ nhất nhưng có tính bao trùm, đại diện, phổ quát nhất để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý tiến tới chuyển đổi số tổng thể và toàn diện. Đó là nhận định của  ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tại Lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021 tổ chức ngày 2/7/2021. 

          Những hộ nông dân xã Chi Lăng là những người nông dân tiên phong của tỉnh Lạng Sơn trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn

          Theo ông Hồ Tiến Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Lạng Sơn xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng, xã hội. Với tinh thần ấy, trong tháng 8/2021, UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những chỉ tiêu rất cụ thể, trong đó nhiệm vụ phát triển kinh tế số đặt ra chỉ tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%.

20210721-pg1-LS.jpg

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: "Những hộ nông dân xã Chi Lăng là những người nông dân tiên phong của tỉnh Lạng Sơn trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn"

          Trước khi triển khai lễ ra quân, từ trung tuần tháng 6/2021, UBND tỉnh đã giao Sở TT&TT phối hợp với UBND huyện Chi Lăng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) triển khai thí điểm kinh tế số, cửa hàng số tại địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Đến nay, kết quả đã vượt chỉ tiêu đề ra: Trên 1.000 cửa hàng số của các gia đình đã được thiết lập. Những hộ nông dân xã Chi Lăng là những người nông dân tiên phong của tỉnh Lạng Sơn trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh

          Theo lộ trình, giai đoạn 1 quá trình triển khai kinh tế số, cửa hàng số của tỉnh Lạng Sơn sẽ kéo dài từ ngày 20/7/2021 đến ngày 20/9/2021 và được  triển khai thực hiện tại 5 huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn, Văn Quan. Sau đó sẽ triển khai trên địa bàn các huyện còn lại, phấn đấu hoàn thành trong năm 2021, ông Hồ Tiến Thiện cho biết thêm. 

          Viettel Post và Vietnam Post đồng hành cùng Lạng Sơn phát triển kinh tế số

          Theo thông tin từ Viettel Post và Vietnam Post, chỉ trong 02 tuần (18/06 đến 02/07/2021) thử nghiệm kinh tế số, cửa hàng số tại xã Chi Lăng, trên sàn Voso của Viettel Post đã có 395 gian hàng số của các hộ gia đình, phát triển mới 187 tài khoản thanh toán điện tử. 700 hộ gia đình đã mở gian hàng trên sàn Postmart của Vietnam Post. 

20210721-pg1-KTS.jpg

Viettel Post và Vietnam Post đồng hành cùng Lạng Sơn phát triển kinh tế số

          Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết, trong 02 tuần thử nghiệm, Viettel Post đã huy động nhân sự đến tận thôn, bản, khối phố thuộc địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, lựa chọn những hộ gia đình có sản lượng nông sản lớn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP để hướng dẫn tạo gian hàng trên sàn TMĐT Vỏ Sò, đồng thời mở tài khoản thanh toán điện tử để giao dịch thuận tiện hơn.

          Với mạng lưới bưu cục và đội ngũ nhân sự phủ khắp các huyện xã trên đất nước, Viettel Post có thể đến tận nhà để tuyên truyền và hỗ trợ các hộ gia đình từ bước tạo cửa hàng số trên sàn TMĐT Vỏ Sò, cho tới cách mua và bán trên kênh mới này. Sàn TMĐT Vỏ Sò của Viettel Post có nhiều tính năng ưu việt giúp người dân chuyển đổi số dễ dàng, như: Kết nối tự động tài khoản gian hàng và tài khoản Viettel Pay để thanh toán, chuyển tiền mà không cần dùng tiền mặt, vừa giúp kiểm soát luồng tiền và kết quả kinh doanh của mình qua sàn TMĐT

          Đặc sản địa phương tiếp tục là sản phẩm được ưu tiên để chuyển đổi số. Viettel Post dự kiến sẽ xúc tiến các chương trình quảng bá và sự kiện để tiêu thụ nông sản chất lượng cao như: Na, hồng, thạch đen, hoa hồi, quýt Bắc Sơn…”, Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết. 

          Ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển và Thương hiệu, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ, “Vietnam Post đã triển khai hệ thống cửa hàng số với những thiết kế riêng, phù hợp, giúp bà con nông dân tỉnh Lạng Sơn có thể dễ dàng tiếp cận với việc bán hàng trên sàn TMĐT Postmart.vn”. Bên cạnh đó, nhân viên bưu điện cũng phối hợp với chính quyền địa phương, Sở TT&TT tỉnh tổ chức những buổi đào tạo cho người dân để trước mắt người dân có thể tiếp cận với kinh tế số. Sau đó, hướng dẫn các hộ gia đình mở cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, xây dựng quy trình nhận, vận chuyển cho các hộ khi phát sinh đơn hàng và phát triển người mua sản phẩm nông sản Lạng Sơn trong và ngoài tỉnh.

          VietNam Post đặc biệt tập trung hỗ trợ các hộ nông dân huyện Chi Lăng tiêu thụ na qua sàn thương mại điện tử Postmart. Ngay từ cuối tháng 6/2021, các nhân viên của Vietnam Post đã tới 950 hộ gia đình trồng, tiêu thụ na tại huyện Chi Lăng để hướng dẫn người dân làm quen với cách làm mới, phương thức kinh doanh mới trên không gian mạng, đại diện Vietnam Post cho hay.

          Từ nay đến tháng 9/2021, Vietnam Post sẽ tiếp tục tổ chức hỗ trợ bà con nông dân tập trung phát triển kinh tế số trên địa bàn 5 huyện gồm Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn và Văn Quan”, đại diện Vietnam Post cam kết.  

Nguồn: mic.gov.vn

About