Skip to main content

Phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn: Không gian mới cho người dân miền núi

          Trong ngày 20/7, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Đây là mốc son đánh dấu bước ngoặt của người dân trên địa bàn tỉnh trong việc chuyển đổi phương thức mua bán truyền thống sang nền tảng công nghệ số. Thay vì trực tiếp mang nông sản ra chợ bán thì người sản xuất, kinh doanh có thể ngồi tại nhà bán sản phẩm. Việc vận chuyển sẽ được thực hiện nhanh chóng đến tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

          Ngồi tại nhà cũng có thể mua, bán hàng

          Gần 1 tuần nay, vườn na của gia đình anh Nông Văn Hưng, thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Mỗi ngày anh thu hoạch 30 đến 40 kg quả na. Nhờ tham gia sàn thương mại điện tử voso.vn mà chỉ trong 2 ngày (15, 16/7) đã có 19 đơn đặt hàng với số lượng hơn 70 kg na đi các huyện trong và ngoài tỉnh với tổng trị giá hơn 5 triệu đồng.

          Anh cho biết: Khi được nhân viên Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (ViettelPost) hướng dẫn tôi đã mở gian hàng số trên sàn thương mại điện tử voso.vn và mở tài khoản thanh toán điện tử. Lần đầu tiếp cận lĩnh vực này, tôi rất bỡ ngỡ, được sự hướng dẫn từ phía doanh nghiệp tôi đã vận hành được cửa hàng của mình.

Nhân viên ViettelPost hướng dẫn người dân xã Chi Lăng cách vận hành cửa hàng số trên sàn thương mại điện tử voso.vn

          Chị Vi Lăng Như Quỳnh, khu Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Trước đây, tôi thường bán hàng trên facebook, nhưng gần đây, mạng xã hội này hạn chế tương tác nên số người xem được sản phẩm và đặt mua giảm đáng kể. Nhờ sàn thương mại postmart.vn, việc kinh doanh của tôi thuận lợi hơn. Ngoài quả na tôi còn bán được nhiều sản phẩm khác của gia đình như: hành, tỏi, nụ vối…

          Hiện đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch na tại huyện Chi Lăng.  Toàn huyện có khoảng 1.800 ha na với sản lượng 15.000 tấn. Việc nông dân có thể mở gian hàng số trên 2 sàn thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn sẽ mở ra hướng bán hàng mới. Như vậy, thay vì phải vất vả mang na ra chợ bán, có thể đối mặt với nguy cơ  thương lái ép giá, không có người thu mua thì nay chỉ cần ngồi tại nhà, tại vườn bà con nông dân cũng có thể đăng bán các sản phẩm của mình thông qua chiếc điện thoại thông minh. Việc vận chuyển đã và đang được VNPost và ViettelPost nhận hàng tại nhà và giao hàng tận tay người tiêu dùng. Không chỉ bán người dân cũng có thể mua sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử này và thanh toán thông qua tài khoản điện tử.

          50% hộ gia đình nông thôn tham gia phát triển kinh tế số

          Trung tuần tháng 6/2021, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Lạng Sơn phối hợp với UBND huyện Chi Lăng thí điểm triển khai chuyển đổi số, thử nghiệm phát triển kinh tế số tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Sau khi thử nghiệm, từ quy trình sản xuất tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo cách truyền thống các hộ dân đã chủ động ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản, mua bán trên nền tảng công nghệ số. Trên địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng đã có 1.062 cửa hàng số được thành lập, 301 tài khoản thanh toán điện tử được mở mới. Đến nay, đã có khoảng 150 đơn hàng được bán thông qua sàn thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn với tổng giá trị hơn 30 triệu đồng. Sản phẩm được giao dịch qua sàn thương mại điện tử gồm các mặt hàng nông sản như: quả na, nụ vối, lạp sườn hun khói, mật ong, ớt, măng ớt, hành, tỏi khô…

Nhân viên VNPost hướng dẫn nông dân thị trấn Chi Lăng đóng gói sản phẩm

          Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lạng Sơn xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, mọi nguồn lực xã hội. UBND tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, toàn tỉnh phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ hộ gia đình biết và tham gia phát triển kinh tế số đạt trên 50%. Cùng với mục tiêu thì giải pháp được đưa ra là: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, chuyển đổi phương thức hoạt động trong các thành phần của nền kinh tế; xây dựng và triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh; xây dựng, phát triển thị trường thương mại số của tỉnh lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; phát triển nền tảng thương mại số thông qua chuỗi giá trị, hình thành chuỗi cung ứng, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và người tiêu dùng.

          Người dân, doanh nghiệp là trung tâm

          Công tác phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong năm 2021 được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 20/7 đến 20/9, triển khai tại 5 huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Tràng Định, Bắc Sơn. Giai đoạn 2 từ 20/9 đến 20/11, triển khai ở các huyện, thành phố còn lại; phấn đấu đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 50% số hộ gia đình biết, có cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử. Sở TT&TT yêu cầu VNPost và ViettelPost xây dựng kế hoạch, phương án phát triển kinh tế số đối với hộ gia đình, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ dân nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra.

          Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bưu điện tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở TT&TT, chúng tôi đã phối hợp với UBND huyện Chi Lăng triển khai các nội dung về phát triển kinh tế số trên địa bàn, trọng tâm là đưa quả na lên sàn thương mại điện tử postmart.vn của Bưu điện tỉnh để giới thiệu với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Với kinh nghiệm triển khai hệ sinh thái số của Ngành Bưu điện trên toàn quốc Bưu điện tỉnh đã huy động nhân sự đến tận thôn, bản, khối phố, lựa chọn những hộ gia đình có sản lượng nông sản lớn, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, có điện thoại thông minh làm đầu tàu phát triển kinh tế số. Qua đó, chúng tôi đã hỗ trợ bà con mở được 700 cửa hàng số trên không gian mạng, giúp họ chuyển đổi dần phương thức sản xuất, mua bán sản phẩm.

          Ông Hoàng Mạnh Tuân, Phó Giám Đốc Viễn thông và Thương mại điện tử Chi nhánh Bưu chính Viettel Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi thành lập các nhóm zalo tại từng thôn nhằm kịp thời hướng dẫn người dân mua, bán sản phẩm. Trên sàn voso.vn, các sản phẩm của tỉnh Lạng Sơn được ưu tiên đưa lên trang đầu để người tiêu dùng dễ tiếp cận; kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nông dân có thể bán được giá cao hơn so với bán tại chợ.

          Lợi ích của người dân khi tham gia phát triển kinh tế số là có thể quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, từ đó, làm giảm áp lực trong khâu tiêu thụ, thanh toán, vận chuyển nhanh chóng. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có rất nhiều loại sản phẩm đặc sản như: na, các loại quả hồng, thạch đen, quýt, lê, mận, nụ vối, mật ong, măng ớt, rau vụ đông, rau bò khai… Việc phát triển khâu bán hàng trên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp người sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, chủ động đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra thị trường hàng hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nguồn: baolangson.vn

About